Trường THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng triển khai tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho học sinh trong 3 ngày (từ 23/11-25/11) và trong ngày hôm nay sẽ có khoảng 600 em được tiêm.
Theo kế hoạch, ngày 23/11, trường THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng sẽ triển khai tiêm cho gần 600 em học sinh của khối 12. Ngày mai 24/11, sẽ triển khai tiêm cho các em học sinh lớp 11 và ngày 25/11 sẽ tiêm cho các em học sinh lớp 10.
Để quá trình tiêm chủng cho các em học sinh diễn ra an toàn, trường bố trí ghế ngồi đảm bảo giãn cách, có đội ngũ tình nguyện hướng dẫn học sinh đến tiêm, đội ngũ y, bác sĩ theo dõi sức khoẻ của các học sinh sau tiêm.
Là một trong những học sinh được tiêm sớm nhất trong sáng nay, em Nguyễn Thu Hoài, học sinh lớp 12A4, trường THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng chia sẻ: “Hôm qua, khi nhận được thông báo đi tiêm em khá là hồi hộp. Em sợ tiêm nhưng vẫn quyết định đi tiêm vì bố mẹ động viên, muốn em tiêm sớm để phòng bệnh COVID-19 tốt hơn và sớm được quay trở lại trường học”.
Cũng như nhiều bạn học khác, trước đó, Thu Hoài đã tìm hiểu rất kỹ về tiêm vắc- xin phòng COVID-19 và em cũng khá lo lắng về những phản ứng có thể gặp phải khi tiêm. Tuy nhiên, sau khi được các bác sĩ tư vấn, thăm khám sàng lọc, hướng dẫn theo dõi sức khỏe sau tiêm thì Hoài đã không còn sợ như ở nhà.
Còn với Nguyễn Thị Tú Anh (học sinh lớp 12 trường Đoàn Kết - Hai Bà Trưng), em lại khá thoải mái, không lo sợ gì khi đi tiêm vì thấy mẹ bảo tiêm vắc-xin không đau, lại giúp phòng dịch bệnh COVID-19.
“Trước đó, em cũng tìm hiểu về việc tiêm vắc-xin, thấy trên mạng đưa thông tin sau khi tiêm có thể bị sốt, mệt mỏi, nhưng thực tế bà em và mẹ em đi tiêm về mọi người đều khỏe mạnh, không ai sốt hay mệt mỏi nên em khá yên tâm và không lo lắng gì. Lúc tiêm thì có cảm giác như kiến cắn ở tay, còn lại thì không thấy có cảm giác gì khác thường” – Tú Anh chia sẻ.
Khác với các bạn học, nữ sinh Đ.P.L. (học sinh lớp 12 trường Đoàn Kết - Hai Bà Trưng) lại cảm thấy nôn nao, mệt mỏi sau khi tiêm được khoảng 1 tiếng.
Cô giáo chủ nhiệm của Đ.P.L. cho biết: “Sau tiêm 30 phút, em học sinh này vẫn bình thường, lúc chuẩn bị đi về thì em có nói với tôi là con có biểu hiện bồn chồn, nôn nao khó chịu, giống như say xe.
Ngay sau đó tôi đã dẫn em vào để các bác sĩ kiểm tra sức khỏe (kiểm tra huyết áp, nhịp tim, oxy…) cho học sinh và thấy sức khỏe của cháu vẫn bình thường. Nhà trường đã báo lại ngay với phụ huynh đang chờ con ở dưới sân trường”.
Với trường hợp của L., sau khi thăm khám các bác sĩ cho biết sức khỏe của em bình thường, cần cho cháu nghỉ ngơi nhiều hơn. Tình trạng nôn nao trẻ gặp phải có thể là do lo lắng, thêm vào nữa là buổi sáng trẻ chưa ăn sáng trước khi tiêm nên dẫn đến hiện tượng khó chịu, nôn nao.
Học sinh L. đã được nhân viên y tế cho uống sữa, ăn bánh và uống thêm nước ấm để trẻ bớt hồi hộp. Hiện tại qua thời gian nằm theo dõi đặc biệt, các chỉ số huyết áp, SPO2 ổn định và L. đã không còn cảm thấy nôn nao, mệt mỏi nữa.
Ngồi chờ con tại sân trường, chị Vi Thị Thìn, ở Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội (phụ huynh học sinh lớp 12D, trường THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Tôi đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng COVID-19 và hiểu tầm quan trọng của vắc-xin trong việc phòng dịch bệnh COVID-19 nên không cảm thấy lo lắng gì. Thời điểm dịch bệnh đang phức tạp như hiện nay thấy con được tiêm là mừng và hạnh phúc”.
Chị Thìn cũng cho biết, bản thân con trai chị cũng rất vui khi được đi tiêm vắc-xin phòng COVID-19. Bởi con đã bị “nhốt” ở nhà khá lâu nên giờ được tiêm thì con sẽ được ra ngoài đi đá bóng, được đến trường đi học, gặp gỡ bạn bè, thầy cô.
“Để chuẩn bị cho con sáng nay đi tiêm được thuận lợi, tối hôm qua tôi dặn con đi ngủ sớm, sáng nay dậy ăn sáng đầy đủ, chuẩn bị nước hoa quả để con uống sau tiêm và dặn con hạn chế hoạt động thể thao mạnh… Tôi cũng lo lắng một chút về tác dụng phụ của thuốc ảnh hưởng đến sức khỏe của con, nhưng thấy gia đình mình ai tiêm về sức khỏe cũng bình thường nên tư tưởng cũng thoải mái hơn” – chị Thìn nói.
https://www.giadinhmoi.vn/ly-linh-signature19/