Nhà thơ Thanh Thảo đã gọi những tác phẩm văn học là “Khối vuông Rubic” để nhắn nhủ với người đọc về sự đa dạng của cuộc sống được thể hiện qua cái nhìn riêng của mỗi ngòi bút. Với mong muốn mang đến thêm những góc nhìn mới, những cảm nhận mới đa dạng hơn cho bộ môn, tổ Ngữ Văn đã gửi tới thầy cô và các em chương trình giao lưu với chủ đề: Góc nhìn văn chương!
Mở đầu cho buổi giao lưu là một tiết mục múa đặc sắc do học sinh các lớp 10D1, 10D3 và 11D1 biểu diễn, bài múa cũng là một sản phẩm bước ra từ trang thơ của bà Chúa Thơ Nôm - Hồ Xuân Hương: “Son” và “Hồn thiêng đất Việt”.
Tiết mục múa do học sinh các lớp 10D1, 10D3 và 11D1 biểu diễn
Tiếp ngay sau đó là chương trình Giao lưu, nghe bài hát, đoán tên tác phẩm được chuyển thể (gồm: Thuyền và biển; Bánh trôi nước; Vợ chồng A Phủ; Chân quê; Chuyện người con gái Nam Xương). Từ đó giúp HS đã thấy được mối liên hệ mật thiết giữa thơ và nhạc.
Không chỉ vậy, “văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực để vừa tố cáo và thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch” (Thạch Lam). Vì thế, văn học với sứ mệnh thiêng liêng của nó không chỉ là tấm gương phản chiếu hiện thực cuộc sống mà còn là nơi con người gửi gắm ước mơ, khát vọng, kí thác nỗi niềm và cả những suy tư về tình đời, tình người. Và, nếu nhà văn là người tạo ra thế giới của những ước mơ thì các cô giáo dạy Văn chính là sứ giả đem những ước mơ đó gieo cho thế hệ trẻ:
“Trên bục giảng em nói toàn những chuyện thần tiên
Cô Tấm ở hiền được Phật, Thần cứu giúp
Chàng Kim chung tình chẳng vẹn tròn hạnh phúc
Nước mắt nàng Kiều ướt đẫm những trang thơ
Nguyệt Nga đã gặp được Vân Tiên chưa
Để khắc khoải trái tim ông Đồ Chiểu
Bạn đến chơi nhà sao để thiếu
Cả trầu không hỡi cụ Tam Nguyên…”
Hai cô MC của chương trình
Các cô không chỉ trăn trở với mỗi bài giảng mà còn mang nặng tâm tư với đời, với người, với mỗi nhân vật. Chính vì vậy, các cô giáo tổ Ngữ Văn đã chuẩn bị một tiết mục vô cùng độc đáo để toàn thể thầy cô và học sinh cùng gặp gỡ các nhân vật văn học “Bước ra từ trang Văn…” qua sự diễn xuất của chính mình. Không chỉ được xem, các HS còn được dự đoán và trả lời tên của nhân vật, tên tác phẩm và đem về cho mình những phần quà hấp dẫn, nhất là một điểm 10 hệ số 1 môn Ngữ Văn.
Mở đầu là nhân vật Thị Mầu trong vở chèo “ Quan âm Thị Kính” qua sự diễn xuất tuyệt vời của cô Mai
Chèo là loại hình sân khấu đặc biệt, mang đến cho khán giả những giây phút giải trí thú vị và cảm nhận sâu sắc về cuộc sống. Trong số những vở chèo kinh điển có "Quan Âm Thị Kính". Qua tác phẩm này, người xem không chỉ ghi nhớ vẻ đẹp tinh tế, dịu dàng của Thị Kính mà còn đặc biệt ấn tượng với cô gái này – Thị Màu. Có thể nói, xuất hiện giữa xã hội phong kiến khi người phụ nữ bị trói buộc bởi Tam tòng, Tứ đức, thì hình tượng Thị Màu là điểm sáng duy nhất có cá tính và dám bộc bạch khát khao theo đuổi tình yêu của mình.
Nhân vật Chị Dậu trong tiểu thuyết “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố qua sự hóa thân xuất thần (khiến giáo viên lẫn học sinh đều rơi lệ) từ cô Dung
Ngô Tất Tố là một trong những nhà văn hiện thực phê phán nổi tiếng nhất thời kì cách mạng. Các tác phẩm của ông luôn gắn liền với hình ảnh những người nông dân khốn khổ, bị áp bức, bóc lột, bị dồn đến bước đường cùng không lối thoát mà điển hình là nhân vật chị Dậu trong tiểu thuyết “Tắt đèn”. Với chị Dậu, nhà văn đã thành công trong việc khắc họa một hình tượng người phụ nữ Việt Nam giàu đức hy sinh, yêu thương chồng con hết mực và đặc biệt là niềm khao khát sống, khao khát hạnh phúc mãnh liệt.
Các cô thanh niên xung phong truyện “Những ngôi sao xa xôi” của nhà văn Lê Minh Khuê qua 3 vai diễn “để đời” – cô Hồng, cô Vân và cô Huệ
Tác phẩm ra đời năm 1971, viết về những cô gái xung phong (Nho, Thao, Phương Định) sống dưới một cứ điểm trọng yếu của tuyến đường Trường Sơn. Công việc của họ là trinh sát, xác định vị trí ném bom, tìm kiếm những quả bom chưa nổ để phá bom. Hiểm nguy là vậy, mỗi giây mỗi phút đều đối mặt với cái chết nhưng họ vẫn rất anh dũng, đặc biệt là vẫn luôn lạc quan, yêu đời và tình nghĩa:
Đất nước mình nhân hậu
Có nước trời xoa dịu vết thương đau
Em nằm dưới đất sâu
Như khoảng trời đã nằm yên trong đất
Đêm đêm, tâm hồn em tỏa sáng
Những vì sao ngời chói, lung linh…”
(Khoảng trời hố bom – Lâm Thị Mỹ Dạ)
Nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao với sự nhập vai của cô Hòa Hảo và “cộng sự”
Tác phẩm lấy bối cảnh nông thôn Việt Nam trước 1945. Với lời kể mộc mạc, giản dị Nam Cao đã tái hiện chân dung đẹp đẽ của người nông dân già nua, khắc khổ, nhưng hiền lành lương thiện: lão Hạc. Vẻ đẹp nổi bật nhất ở nhân vât này, đó là LÒNG TỰ TRỌNG và TÌNH YÊU THƯƠNG con sâu nặng. Tinh thần ấy thật sự vững chắc, “kiên cố” như thành trì, mà không có bất cứ sự khổ đau, chèn ép nào của xã hội bất công lúc bấy giờ có thể xô ngã được.
Nhân Vật Hơ Nhị trong sử thi “Đăm Săn” qua sự thể hiện xuất sắc của cô Kiều Oanh
Văn học dân gian Việt Nam không chỉ chứa đựng những bài ca dao trữ tình sâu lắng và làn điệu chèo mượt mà, mà còn đặc trưng bởi những pho sử thi hào hùng thể hiện sức mạnh và trí tưởng tượng tuyệt vời của con người, trong đó tiêu biểu nhất là tác phẩm “Đăm Săn. Làm nên vẻ đẹp của người anh hùng Đăm Săn không thể không nhắc tới nàng Hơ Nhị. Chính người con gái này (cùng với chị của mình) đã góp phần đem lại những chiến công oanh liệt, chắp cánh cho những khát vọng kì vĩ và củng cố sự phát triển phồn vinh cho bộ tộc.
Bà cô Thị Nở trong tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao với kĩ thuật biểu diễn chuyên nghiệp, hết mình cho vai diễn đến từ cô Phương Hoa
Bên cạnh nhân vật Chí Phèo, Thị Nở và Bá Kiến thì còn có một hình tượng nhân vật điển hình nữa mà ta vẫn ít nhắc tới. Sự xuất hiện của nhân vật này là một bước ngoặt đối với sự chuyển biến của câu chuyện cũng như đối với cuộc đời, số phận của nhân vật trung tâm Chí Phèo. Là một nhân vật phụ, ngay cả tên cũng không có, nhưng lại là nhân vật đại diện cho những định kiến đương thời của người nông dân ở “làng Vũ Đại ngày ấy” nói riêng và làng quê nông thôn Bắc Bộ trước Cách mạng 1945 nói chung, đẩy số phận nhân vật chính vào những bế tắc không lối thoát.
Cuối cùng là hình ảnh cô Tấm như bước ra từ trong truyện cổ tích “Tấm Cám” với sự diễn xuất của cô Thắm
Có thể nói, truyện cổ tích là thế giới hiện thực biết ước mơ. Vì thế, cuối cùng, ước mơ đã được đền đáp. Cô Tấm xinh đẹp, hiền lành, lương thiện, tốt bụng đã được đổi đời, trở thành hoàng hậu. Tác phẩm phản ánh ước mơ của nhân dân lao động về một cuộc sống hạnh phúc, xã hội công bằng cùng niềm lạc quan, niềm tin vào sự chiến thắng của cái thiện.
Qua cuộc “gặp gỡ” các nhân vật văn học bất hủ, cùng nhau sống trong bầu không khí văn chương, trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, học sinh không chỉ được chứng kiến sự hóa thân kì diệu của các cô giáo tổ Văn mà còn có thêm thật nhiều những hiểu biết về văn hóa, văn học và cuộc sống cũng như những giây phút giải trí thú vị, bổ ích. Hi vọng những chương trình Ngoài giờ lên lớp sẽ luôn là những đón đợi và kỉ niệm đẹp với mỗi thầy cô và học sinh.
Tác giả: Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết - Tổ Ngữ văn